-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Những dấu mốc quan trọng trong lịch sử Rubik
05/08/2019 Đăng bởi: N QAHầu hết người trẻ tuổi hiện nay sống dựa vào công nghệ, những trò chơi rèn luyện não bộ như cờ vua, cờ tướng,... dần dần bị mai một. Thay vào đó là các trò chơi điện tử và chúng ngày càng trở nên phổ biến. Thế nhưng, có một trò chơi trí tuệ vẫn “sống tốt” và nó không hề kém thu hút sau bao năm tháng, không gì khác chính là khối lập phương Rubik.
Rubik đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một trò chơi hiện đại nhờ tính ganh đua, các sản phẩm mới đầy mê hoặc và các giải đấu lớn thường niên. Trong bài viết này, H2 Rubik sẽ ghi lại những dấu mốc quan trọng đã tác động đến lịch sử Rubik’s Cube, bao gồm cả các phương pháp mới và hoạt động Speedcubing nhé.
Năm 1974 - Khối lập phương Rubik được phát minh
Sau nhiều nguyên mẫu và phiên bản khác nhau của khối lập phương được tạo ra. Vào năm 1974, Erno Rubik cuối cùng cũng đã hoàn thành khối 3x3 đầu tiên. Khối Rubik này khá “cồng kềnh” và được làm từ gỗ, với các góc bị vát xuống để tăng cảm giác cầm nắm. Ông Erno đã phát mất tới một tháng để tìm ra cách giải.
Năm 1975 - Bằng sáng chế
Erno Rubik đã nhận được bằng sáng chế cho thành quả của mình với cái tên là “magic cube” tại Hungary. Khối lập phương này mang tên như vậy trong suốt 5 năm sau đó, trước khi nó được đổi thành Rubik.
Năm 1977 - Quá trình thử nghiệm
Khối lập phương Rubik được phát hành lần đầu tiên tại các cửa hàng đồ chơi/ cửa hàng đồ chơi thông minh tại Budapest (cuối năm 1977). Phiên bản này đã khắc phục được nhược điểm kích thước và cân nặng so với chiếc Rubik nguyên mẫu. Nó không dễ dàng bị rơi mảnh hay vỡ và khá nhẹ, rất lý tưởng cho một món đồ chơi trẻ em.
Năm 1979 - Hợp đồng phân phối Rubik trên toàn cầu
Phải mất tới 4 năm khối lập phương Rubik mới thực sự được phát hành trên toàn thế giới. Điều này là do “bức màn sắt” đã ngăn cách Châu Âu từ cuối thế chiến thứ II, trước sự suy tàn của chủ nghĩa cộng sản vào thời điểm đó. Điều này làm cho bất kỳ sự phân phối hàng hóa nào trên thế giới đều trở nên khó khăn.
Năm 1980 - Thế giới đã biết đến khối lập phương Rubik
Đầu năm 1980, Rubik đã ra mắt thế giới trong các hội chợ đồ chơi. Nó đã được thay đổi một chút để phù hợp với các quy định của phương Tây, liên quan đến thông số kỹ thuật, về bao bì và sự an toàn sản phẩm. Tại thời điểm này, khối lập phương chính thức được đổi thành tên nhà phát minh của nó - cái tên Rubik chính thức ra đời. Cùng năm, một giáo sư toán học tại Anh - David Singmaster đã nghĩ ra phương pháp giải Rubik từng tầng (layer by layer) đầu tiên, bao gồm 8 bước cơ bản.
Năm 1981 - Sự thành công của Rubik trên toàn cầu
Vào năm 1980 và 1981, Rubik đã nhận được giải thưởng Đồ chơi của năm tại Vương quốc Anh và trong 3 năm đầu tiên phát hành, nó đã bán được 100 triệu chiếc. Khối lập phương ngày nay đã bán được gấp 5 lần con số đó, khiến nó trở thành món đồ chơi bán chạy nhất mọi thời đại. Patrick Bossert đã chứng kiến thấy sự thành công này. Vào năm 1981, ông cho ra đời cuốn sách “You can do the Cube” để dạy người đọc cách giải và bán được 1,5 triệu bản.
Năm 1982 - Tốc độ tăng lên
Năm 1982, Giải vô địch thế giới Rubik lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô của Hungary. 20 đối thủ cạnh tranh được chọn ra từ các cuộc thi nhỏ hơn trong nước, họ đã cùng thi xem ai giải khối Rubik nhanh nhất có thể. Người chiến thắng cuối cùng là Minh Thái - một người Mỹ gốc Việt đã giải được khối lập phương trong vòng 22,95 giây. Sau đó, ông đã xuất bản một cuối sách có tên “The winning solution”, dạy cách giải cho người đọc. Phương pháp Ortega Corners-First vẫn còn được sử dụng bởi một số người ngày nay dựa trên cuốn sách của Thái.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, khi thế giới bắt đầu chuyển sang thời đại công nghệ, Rubik trở nên “nhạt nhòa” trong con mắt mọi người. Nó vẫn còn trên kệ của những cửa hàng đồ chơi thông minh nhưng sự cường điệu như những năm đầu đã mất đi khá nhiều. Tuy nhiên, Rubik xuất hiện thường xuyên hơn trong các tờ báo, chẳng hạn như Mastercraft Cube được tạo ra vào năm 1995 bởi Diamond Canners Int được định giá 1,5 triệu USD - đắt nhất trên thế giới.
Sau đó một thời gian, khi Rubik trở nên ít xuất hiện hơn trong danh sách quà mong muốn của những đứa trẻ tại giáng sinh, Speedcubing ra đời như một sự “cứu rỗi” và bắt đầu phát triển mạnh.
Năm 1997 - Phương pháp Fridrich (CFOP) ra đời
Năm 1997, Jessica Fridrich đã công bố phương pháp giải của mình trên Rubik’s Cube Online. Phương pháp Fridrich (hay còng gọi là CFOP - từ viết tắt cho các bước) được coi là một trong những phương pháp giải nhanh nhất thế giới hiện nay. Kỷ lục thế giới và thời gian trung bình của cô đã được giữ trong nhiều năm nhờ phương pháp này, mặc dù Fridrich ước tính rằng, nó sẽ không hiệu quả khi dưới 13 giây.
Năm 2003 - Hiệp hội Rubik thế giới WCA ra đời
Năm 2003, Ron Van Bruchem và Tyson Mao đã thành lập Hiệp hội Rubik thế giới WCA. Đây là tổ chức đầu tiên chịu trách nhiệm điều hành các cuộc thi Speedcubing chính thức và giám sát các kết quả của thí sinh. Họ đã thúc đẩy bộ môn Speedcubing phát triển và đưa sở thích này vươn ra toàn cầu. WCA ngày nay được công nhận là hiệp hội Rubik chính thức và bất kỳ kỷ lục thế giới nào đều phải thông qua họ trước khi nó được công nhận.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về WCA tại đây - Hiệp hội Rubik thế giới WCA là gì?
Năm 2005 - 25 năm lịch sử Rubik
Khối lập phương Rubik kỷ niệm sinh nhật của mình lần thứ 25 vào năm 2005. Một bao bì phiên bản đặc biệt đã được sản xuất để ăn mừng. Cũng trong năm đó, Giải vô địch thế giới lần thứ ba đã diễn ra. Người giành chiến thắng là Jeans Pons với thời gian 15,10 giây.
Năm 2014 - 40 năm lịch sử Rubik kể từ khi phát hành
Vào năm 2014, Rubik đã kỷ niệm 40 năm kể từ khi nó được phát minh vào năm 1974. Một Doodle với chủ đề Rubik đã được xuất hiện trên trang nhất của Google. Triển lãm Cube của Beyond Rubik đã được mở tại Trung tâm khoa học tự do ở New Jersey, cùng địa điểm với cuộc thi Rubik’ Cube 2014 tại Hoa Kỳ.
Khối lập phương Rubik ngày nay
Giải vô địch thế giới và vô địch Châu Âu vẫn được tổ chức 2 năm một lần, cùng với quốc gia Hoa Kỳ hàng năm. Nhờ sự phát triển trong ngành sản xuất Rubik, những chiếc Rubik ngày nay cực kỳ nhanh nhẹn và tối ưu hết mức cho việc giải tốc độ. Cách đây vài năm, không ai nghĩ một con người có thể giải khối Rubik 3x3 chỉ với 3,47 giây. Thế nhưng điều đó đã trở thành sự thật.
Những giải đấu thường niên vẫn quy tụ hàng trăm người chơi, tình bạn được hình thành từ đây và các sự kiện luôn đạt thành công lớn. Đủ để thấy sức hút của khối Rubik vẫn còn mãi trong một bộ phận giới trẻ.