-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Những đứa trẻ lớn lên cùng Rubik
25/05/2020 Đăng bởi: Nguyễn Quang Anh“Đã từ rất lâu rồi, con trai tôi và những chiếc Rubik của nó đã không thể tách rời nhau được. Giống như hàng trăm đứa trẻ khác, nó đã tìm thấy những con người có cùng niềm đam mê với mình tại các giải CubingUSA National.”
John Branch, New York Time, 15 tháng 8 năm 2018
Ngày hôm nay, thành phố Salt Lake đang tổ chức một cuộc thi có tên “Max Park vs the World”. Đây là một sự kiện mang tính chất biểu diễn với sự góp mặt của bảy speedcuber nhanh nhất thế giới.
“Speedcuber” thực chất là biệt danh được đặt dành cho một cộng đồng không ngừng lớn mạnh những người giải câu đối hay Rubik với tốc độ chóng mặt. Sáu người trong số họ sẽ thay phiên nhau đối đầu với Park – một cậu thiếu niên 16 tuổi tới từ California không may mắc chứng tự kỷ. Điều đáng nói ở đây là chính Park đã phá vỡ hầu hết mọi kỉ lục thế giới mà sáu người còn lại từng nắm giữ.
Max Park, một speedcuber cực kỳ tài năng
Tôi nhận thấy có ba vị trí cực kì đẹp để theo dõi cuộc thi này. Một trong số đó chính là từ vị trí của các khán giả, nơi mà hàng trăm con người (hầu hết là những thanh thiếu niên) đang chăm chú theo dõi các speedcuber nổi tiếng, hệt như cái cách các fan NBA kéo nhau ra đường biên để xem Stephen Curry khởi động trước trận đấu vậy.
Mắt đã sẵn sàng theo dõi, điện thoại đã sẵn sàng để quay, và miệng ai nấy cũng đều mở vì sự hào hứng, phấn khích. Con trai tôi chắc chắn cũng ở trong đám đông đó, chỉ là tôi không biết chính xác vị trí nào mà thôi.
Trên sân khấu lúc này là Feliks Zemdegs, một cậu thanh niên 22 tuổi tới từ Australia, người nắm giữ kỉ lục giải chiếc cube 3x3 nhanh nhất thế giới. Chiếc Rubik mà họ dùng vẫn có sáu mặt, ba tầng và tuân theo nguyên lý của chiếc Rubik thông thường, nhưng đã được thiết kế và tinh chỉnh tân tiến hơn rất nhiều.
Feliks Zemdegs với phần thi của mình
Feliks đã làm được điều đó chỉ trong vòng 4.22s, một kỉ lục mà biết bao người chơi khác coi như một ánh hào quang rực rỡ mà họ ước mơ được chạm tới. Từ rất sớm, hàng trăm người đã xếp hàng tại đây để xin chữ kí của cậu ấy.
Xung quanh Feliks là những người chơi - những kỉ lục gia khác cũng nổi tiếng không kém trên khắp thế giới. Mỗi người dường như đều đang mỉm cười đằng sau những chiếc Rubik được chuẩn bị sẵn với tất cả các kích cỡ, từ 2x2, 3x3 cho tới cả 7x7. MC của chương trình thông báo: “Team Feliks tập hợp ở đây hôm nay có một mục tiêu, đó là đánh bại Max Park”
Park đang ngồi một mình ở chiếc bàn gần đó, với tất cả các loại Rubik ở trước mặt mình. Cậu ấy hiện đang nắm giữ kỉ lục thế giới với chiếc 4x4 (18.42s), 5x5 (34.92s), 6x6 (1:09.51s) và 7x7(1:40.89s), 3x3 một tay (6.82s).
Tôi tiến đến vị trí cực kì đẹp thứ hai để theo dõi cuộc thi. Đó là vị trí từ sau khán đài, với góc nhìn tương tự như các speedcuber tham gia thi đấu ngày hôm nay. Từ đây, tôi có thể nhìn thấy rõ sự kinh ngạc và phấn khích trên khuôn mặt của các fan đến như nào.
Hầu hết các fan ở đây cũng đã vượt qua vòng loại của CubingUSA National, để cùng sát cánh với những thần tượng của họ trong suốt ba ngày hè tại một trung tâm hội nghị.
Nhưng sau đó, tôi đã thay đổi quyết định của mình và tiến tới vị trí theo dõi thứ ba. Đó là từ phía bên của cuộc thi.
Không phải góc nhìn dành cho một fan, cũng chẳng phải góc nhìn dành cho người chơi đang thi đấu, mà chỉ đơn thuần là góc nhìn dành cho một người cha đang tìm hiểu về niềm đam mê của con trai mình.
Và giữa đám đông người xem, tôi nhận ra một cậu thiếu niên đang chăm chú ngước lên theo dõi với sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ, hệt như cái cách một bông hoa hướng dương đang cố gắng ngẩng cao đầu và xoay mình về phía ánh sáng tới từ những ngôi sao speedcuber kia. Đó chính là cậu con trai Joe của tôi, trong lần tham dự giải quốc gia đầu tiên của nó.
Joe Branch, con trai của tôi
Năm nay Joe 16 tuổi, nó đang đứng trước một ngưỡng cửa lớn của cuộc đời, đánh dấu sự chuyển đổi từ một đứa trẻ trở thành một người lớn. Joe đã rất cố gắng trong suốt nhiều năm để có thể hoà nhập với cộng đồng xung quanh, nhưng thằng bé vẫn luôn bị mọi người xa lánh.
Khi Joe còn đang học mẫu giáo, nó đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tình hình ngày càng thêm tệ hơn khi Joe bước vào những năm đầu của trung học, khi những triệu chứng của tự kỷ đã xuất hiện khiến cho các bác sĩ và nhà trị liệu tâm lý càng gặp thêm nhiều khó khăn.
Vấn đề lớn nhất của thằng bé chính là ở giao tiếp xã hội. Mặc dù Joe là một đứa trẻ sáng dạ, với một trái tim vô cùng nhân hậu và ấm áp, nhưng cũng giống như chiếc Rubik mà nó hay mang theo, để giải mã và hiểu được thằng bé là chuyện vô cùng khó khăn. Phần lớn mọi người đều không cho nó đủ thời gian để làm được điều đó.
Hình ảnh minh hoạ
Khi không ở công viên trượt ván, Joe thường về nhà và luyện tập piano thông qua các bài hướng dẫn trên Youtube, chủ yếu về các trích đoạn từ tác phẩm của Mozart. Đôi khi nó lại tập trung để giải những câu đố ghép hình, hay thậm chí là luyện tập tính thời gian với chiếc Rubik yêu quý. Tôi còn chẳng nhớ lần cuối cùng Joe được mời đi đâu đó là khi nào nữa.
Nhưng rồi thằng bé lại có mặt ở đây, cảm giác chưa bao giờ được hoà nhập đến thế. Giống như bao người khác, Joe cũng cầm trên tay một chiếc Rubik, nhưng vẫn không quên giữ chặt chiếc chăn giảm lo âu và phù hiệu của mình. Trên cổ của Joe đeo một chiếc vòng đặc biệt, đánh dấu thằng bé là một trong 600 thí sinh tham dự cuộc thi ngày hôm nay.
Bản thân Joe đã tìm thấy sự hoà nhập với mọi người thông qua việc "hãy là chính bản thân mình". Khá thú vị khi điều này lại xảy ra tại một nơi mà bạn có thể cầm chiếc Rubik 3x3 quá đỗi quen thuộc lên tay. Rubik có tới 43 ngàn tỷ tỷ khả năng xảy ra, nhưng lại có thể được bạn và những người xung quanh giải chỉ trong nháy mắt.
Erno Rubik, người phát minh ra khối lập phương
Giờ đây, khi đám đông yên lặng, cuộc đua đã chính thức bắt đầu. Chỉ trong vòng hơn năm phút, Max Park đã giải toàn bộ cả sáu loại cube trước mặt mình, bỏ lại hoàn toàn những người khác ở phía sau.
“Dream team của chúng ta hôm nay đã rất cố gắng” – Người MC nói.
Tôi quay lưng bước đi với sự chắc chắn rằng mình vừa tìm được một chỗ ngồi tuyệt đẹp. Đó là nơi mà một người cha dõi theo cậu con trai hoà mình vào nơi mà nó thuộc về.
"Max Park vs the World"
Cả bố mẹ của Max Park (Schwan và Miki) đều nhận ra có điều gì đó bất thường với cậu con trai của mình ngay từ khi Max còn là một bé. Dường như Max luôn sống trong thế giới của riêng mình. Và trong một khoảng thời gian dài họ tự hỏi liệu con trai mình có bị điếc bẩm sinh.
Các bác sĩ chẩn đoán cậu bị tự kỉ với rất nhiều những triệu chứng rối loạn sẽ biểu hiện ra trong quá trình phát triển, ngay từ khi mới chỉ là một đứa bé. Trong số đó có thể kể tới việc chậm nói, khó giao tiếp bằng mắt hay thậm chí còn không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, thường xuyên lặp đi lặp lại những âm thanh hay hành vi, và hay cực kì tập trung đến một vài hoạt động.
Một vấn đề nữa cũng được chú tâm tới chính là về khả năng vận động tinh (khả năng điều khiển bàn tay và ngón tay) của cậu bé. Các nhà trị liệu và bố mẹ của Max đã giúp cậu bé trải qua rất nhiều những bài tập luyện để tăng cường sự khéo léo, như việc nhặt đồng xu và bỏ vào đúng ô chẳng hạn. Năm lên bảy hoặc tám tuổi, Max lần đầu được cầm vào chiếc Rubik.
“Thằng bé ngay lập tức yêu thích nó, và gần như dành toàn bộ thời gian để luyện tập”. Bố của Max đã nói như vậy trong một cuộc thi ở Berkeley, California cách đó vài tháng trước.
Gia đình nhà Park đã rất mừng khi phương pháp trị liệu mới không làm cậu bé cảm thấy bị bắt buộc phải làm một công việc lặp đi lặp lại. Chỉ sau một thời gian ngắn, Max đã có thể giải hoàn chỉnh chiếc Rubik 3x3 với thời gian đủ để cậu đọc to hết câu văn này lên.
Môn thể thao tưởng như đã chết
Mọi người gần như đều đã rất quen thuộc với khối lập phương Rubik. Đây là phát minh của một kiến trúc sư người Hungary tên là Erno Rubik vào năm 1974. Khối lập phương của Rubik sau đó đã tạo thành công vang dội, và nhận được giải thưởng “Đồ chơi của năm” vào những năm 1980, 1981.
Erno Rubik khi còn trẻ
Tuy nhiên, mức độ nổi tiếng của chiếc Rubik cũng phai nhạt dần theo thời gian. Cho tới cuối năm 1982, tờ Thời báo New York nhận định rằng khối lập phương Rubik đã chết. Thế nhưng nó vẫn sống, ít nhất là trong sự hoài niệm của những người hâm mộ. Để rồi sau 20 năm vắng bóng, khối lập phương đó đã một lần nữa đã quay trở lại.
Cho tới ngày nay, hầu hết mọi người sẽ được phân vào hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những người nhớ về khối lập phương của Rubik như một món kỉ vật, gợi lên những kí ức về thập niên 80, về văn hoá pop, về những đôi tất giữ ấm chân đặc trưng hay về nhóm nhạc Duran Duran. Họ không hề biết tới cubing đã quay trở lại dưới một hình thức phát triển hơn rất nhiều.
Nhóm thứ hai, chắc các bạn cũng đã đoán được, đó là những speedcuber. Hiệp hội Cube Thế giới (World Cube Association – WCA), được thành lập năm 2004 với nhiệm vụ phê duyệt các sự kiện, theo dõi thành tích và phân cấp thứ hạng cho tất cả những cuber chuyên nghiệp.
Cho tới nay đã có hơn 100.000 người chính thức tham gia vào Hiệp hội và không ngừng tăng lên theo thời gian. Năm 2017, số lượng người mới tham gia rơi vào khoảng 24.000 người, gấp năm lần so với năm 2012.
Những chiếc Rubik được kiểm tra trước khi thi đấu
Cubing thực ra đã bắt đầu hồi sinh một cách chậm rãi từ 15 năm trước, bắt đầu từ giải Vô địch Thế giới năm 2003. Đây là lần đầu tiên giải đấu được tổ chức trở lại kể từ năm 1982. Sau đó các câu lạc bộ cubing dần được mở ra trong các trường đại học, từ Cal-Berkeley cho tới Rutgers và truyền bá tới những người chơi mới thông qua các giải đấu mở.
Nhưng phải nhờ đến sự giúp đỡ của Internet, đặc biệt là Youtube, sự hồi sinh của cubing mới thực sự vụt lên một tầm cao mới. Một trò chơi từng được coi là bất khả thi để giải thì giờ đây, các video hướng dẫn đã giải mã hoàn toàn được chúng.
Các cuber cũng nhận ra rằng, những khối lập phương Rubik truyền thống quá cục mịch, nặng nề và không phù hợp để giải nhanh.
Rubik xưa và nay
Vậy là các công ty đã nhanh chóng nhảy vào để đáp ứng cho nhu cầu này, hầu hết là những công ty Trung Quốc như MoYu và GAN. Họ đã thiết kế vào tạo ra những phiên bản mới giúp các viên di chuyển cực kì mượt mà và linh hoạt, với bất kể hình dáng hay kích thước nào.
Những chiếc Rubik vẫn thường xuyên xuất hiện dưới mái hiên nhà tôi với một vẻ ngoài cực kì đơn giản. Joe nhận được những món đồ chơi này vào những dịp sinh nhật và cả Giáng sinh nữa.
Đó là những khối đa diện với tất cả các kích cỡ, từ những chiếc 11x11, cho tới những khối tứ diện đều (hay pyraminx), khối thập nhị diện đều (12 mặt) và một số loại khác nhiều mặt tới nỗi tôi không biết đếm như nào cho xuể, chứ đừng nói tới chuyện xoay chúng ra sao.
Joe Branch tại kỳ thi CubingUSA National
Cũng có loại khối chỉ có một màu duy nhất nhưng các viên di chuyển không phải hình vuông, khi xáo trộn lên sẽ tạo ra các hình thù khác nhau và chỉ trở lại hình dáng ban đầu khi được giải.
Ngoài việc để cả tá loại đồ chơi câu đố trong balo, rồi vứt khắp nơi trong nhà, Joe vẫn có một kệ sách Ikea trong phòng chỉ để phục vụ riêng cho mục đích trưng bày. Thằng bé nói nó có hơn 200 loại khác nhau trong bộ sưu tập của mình. Tôi cũng không đếm chi tiết bởi sợ đếm xong tôi sẽ hoảng khi tính được số tiền bỏ ra để sở hữu chúng.
Đôi lúc những chiếc Rubik mới đến mà trông chẳng khác gì so với những loại mà Joe đã sở hữu. Nhưng thằng bé vẫn khăng khăng rằng chiếc mới tốt hơn. Trước đây tôi cũng từng trải nghiệm cảm giác kinh hoàng khi vào phòng của Joe và thấy những chiếc Rubik mới nhất bị tháo tanh bành ra hàng trăm bộ phận nhỏ.
Nhưng Joe đã kiên nhẫn ngồi lắp chúng lại từng chút từng chút một sau khi nhỏ dầu cẩn thận, không quên kiểm tra các thành phần bên trong đã hoạt động đúng cách hay chưa. Gần như chiếc bàn của thằng bé đã được biến thành một "bãi chiến trường " chứa đầy vật liệu dùng để cải thiện và tinh chỉnh khối Rubik.
Những tiếng click liên tục của chiếc Rubik đang được giải từ lâu đã trở thành một giai điệu không thể thiếu trong gia đình tôi. Chỉ cần không nghe thấy tiếng đó đằng sau cánh cửa phòng ngủ, chúng tôi sẽ cực kì lo lắng.
The Cubicle - những người định hướng cho Cubing
Những chiếc Rubik được bán online tại các shop hay các nhà bán lẻ như The Cubicle – vốn nổi lên như những người định hướng xu thế của chính bộ môn này. Họ tài trợ cho phần lớn những cuber thuộc hàng top thế giới, tạo các team thi đấu và trả tất cả các khoản phí di chuyển tới những cuộc thi.
Những chiếc áo đấu có tên và logo của Cubicle đã không còn quá xa lạ
Những loại dầu bôi trơn Rubik (lube) do Cubicle chế tạo
Họ cũng đóng góp vào quỹ tiền thưởng của giải đấu, ví dụ như tại giải National vừa rồi lên tới con số 23.200$. Những top cuber hoàn toàn có thể yên tâm thi đấu chuyên nghiệp mà vẫn có thể kiếm tiền sinh sống. Và đó cũng chính là thế giới mà Max Park, ngôi sao mới nhất của làng speedcubing, đã tham gia và ngay lập tức áp đảo mọi người.
Cũng giống như những bậc cha mẹ khác (bao gồm cả tôi), nhà Park không hề biết những cuộc thi cubing tồn tại cho tới khi con của họ xin phép được tham gia. Lúc đó Max mới 11 tuổi, nhưng không hề có bạn bè và chủ yếu chỉ ở nhà. Và vậy là họ đã đồng ý với Max.
Schwan Park sau này đã nói: “Thằng bé biết hết tất cả mọi người! Nó biết tất cả các cuber khác, bao gồm cả tên, rồi thành tích của họ ra sao". Đến đây, tôi và vợ mới nghĩ rằng: Ồ, đây thực sự là một nơi tuyệt vời để cho Joe luyện tập giao tiếp xã hội”.
Thông qua cubing, nhà Park đã củng cố những bài học khác cho Max, như là cách ngồi xuống ra sao cho đúng, làm sao để giao tiếp bằng mắt với trọng tài và nói rằng: “Em đã sẵn sàng”. Thành tích của Max khi đó không phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Schwan Park cũng nói thêm rằng: “Đối với chúng tôi, đó dường như là một biện pháp trị liệu tự do”. Cho tới ngày nay, Max vẫn đang nắm giữ những kỉ lục thế giới ở cả nội dung 4x4, 5x5, 6x6 và 7x7, 3x3 một tay. Max cũng đã giành chiến thắng ở cả nội dung 3x3 thông thường nhưng đáng tiếc vẫn chưa thể phá vỡ kỉ lục.
Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. “He is breaking cubing” – trích nguyên văn câu nói của Phil Yu, 28 tuổi, hiện đang là CEO của the Cubicle, và vẫn là một trong những cuber thi đấu chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới. “Cậu ấy không chỉ mạnh về thể chất, mà tốc độ xoay của cậu ấy cũng vượt ngoài sức tưởng tượng”.
Giờ đây, nhà Park lại có một nỗi lo lắng khác, đó là cùng Max luyện tập để kiểm soát bản thân trước danh vọng và sự chú ý tới từ các cánh săn ảnh, hay những người hâm mộ muốn được bắt tay với thần tượng của mình, nhưng lại hiểu nhầm chứng tự kỷ của Max thành sự không thân thiện khi bị cậu ấy ngó lơ.
Nhưng điều quan trọng là Max đã hoà nhập. Cậu ấy được rất nhiều những cuber khác ngưỡng mộ, cũng như dành được sự tôn trọng tới từ các cuber lão làng hơn sau khi đánh bại được chính kỉ lục của họ.
Ảnh chụp chung của Erno Rubik và Max Park
“Cộng đồng cuber thực sự rất có tính đón nhận” – Schwan Park chia sẻ. “Rất nhiều người cũng rơi vào tình cảnh tương tự đã tới đây để mong được đón nhận. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều bậc phụ huynh cũng có mong muốn giống chúng tôi, đó là con của mình được nhận những gì tốt nhất”
“Có tới 800 người giống như bạn”
Hai năm trước ở Berkeley, lần đầu tiên trong đời Joe tham dự một cuộc thi cubing, và thằng bé đã đạt average 48.43s trong nội dung 3x3, vốn là nội dung hấp dẫn nhất của cả giải đấu. Giờ đây tại giải National, Joe đã đạt average 19.91 mà theo từ chuyên ngành là một kết quả “sub-20”. Đây thực sự là một kết quả đột phá so với cột mốc bốn phút cách đây vài năm.
Kết quả này có lẽ đã giúp thằng bé có mặt trong top 10 người chơi nhanh nhất thế giới năm 2004. Thế nhưng đáng tiếc ở thời điểm hiện tại, kết quả này còn không lọt được vào top 500 ở giải National.
Nhưng mục tiêu của Joe là phá vỡ những thành tích của bản thân. Và thằng bé đã làm được trên cả chiếc 3x3 thông thường, một chiếc Pyraminx và Skewb (một dạng khối lập phương nhưng có viên góc hình khối kim tự tháp). Điều quan trọng hơn cả, là Joe thực sự cảm thấy bản thân mình đang ở cuộc thi đó.
“Đây là một câu truyện luôn diễn ra ở đây”. Kit Clement, giám đốc điều hành của CubingUSA chia sẻ: “Cubing ban đầu tưởng chừng rất antisocial – nghĩa là bạn chỉ có ngồi chơi một mình, chẳng giao tiếp với ai và thế là cũng chẳng có ai hiểu được bạn. Nhưng rồi một ngày nọ, bạn đến một cuộc thi và bỗng dưng gặp 800 người khác cũng giống như mình”.
Các cuộc thi cubing hầu hết được diễn ra hết sức yên tĩnh, khi những người chơi phải giải các loại Rubik trong khi bị tính thời gian bởi một bộ đếm tự động (ví dụ tại giải Nationals sẽ có bốn mươi bộ đếm như vậy), và sẽ có giám khảo theo dõi phần thi. Nhưng những vị giám khảo này làm công tác thu thập dữ liệu nhiều hơn là theo dõi.
Phần lớn thời gian của cuộc thi là ngồi chờ. Tại giải Nationals, người chơi sẽ tụ tập lại và ngồi quanh một chiếc bàn tròn. Họ tự tập luyện trên chính chiếc Rubik của mình, hoặc cũng có thể mượn của người chơi khác để liên tục xoay và hoạt động các ngón tay.
Các thí sinh tập luyện trước thềm thi đấu
Ngay cả khi họ không trò chuyện với nhau, nhưng không khí vẫn không hề căng thẳng khi luôn có những tiếng click clack tạo ra một sự thoải mái nhất định. Giống như một bữa trưa dài bất tận trong căng tin của trường vậy. Nơi mà mỗi bàn ăn đều là nơi tụ tập của những đứa trẻ.
Brandon Harnish, một người chơi lâu năm, giờ là đại diện của WCA để giám sát các cuộc thi, chia sẻ: “Chúng tôi dường như ở trên cùng một tần số với nhau và cùng nói chung một loại ngôn ngữ”. Vừa nói anh vừa nhìn ra xung quanh, nhìn về các bàn tròn đã chật kín người chơi.
“Tất cả mọi người đang ngồi với nhau tại đây, cùng nhau truyện trò và tận hưởng cảm giác thoải mái. Đó không phải mục tiêu, mà là thành quả”.
Con trai tôi đã tham dự tổng cộng mười một cuộc thi cho tới thời điểm hiện tại, và tôi cũng có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều các bậc phụ huynh và con cái họ. Speedcuber đều không ai giống ai cả, nhưng điểm chung giữa phần lớn họ là sự yêu thích với máy tính, khoa học và toán học, đôi khi là cả âm nhạc. (Bất ngờ là một số còn yêu thích cả origami nữa).
Không phải ai cũng ngại ngùng, nhưng phần lớn đều như vậy, hoặc ít nhất là khi ở nhà, nơi mà các niềm đam mê của các cuber nằm ở sự tò mò khám phá, chứ chưa trở thành một tiêu chuẩn hay kĩ năng bắt buộc. Tôi chắc chắn không phải là vị phụ huynh duy nhất được chứng kiến con mình bước ra khỏi chiếc "vỏ ốc" khi Joe lần đầu tiên tiến vào căn phòng tổ chức cuộc thi.
Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn là tại sao chỉ có 10% speedcuber là nữ. Ở giải quốc gia Mỹ có 634 thí sinh tham dự, nhưng chỉ có 41 người là nữ, và độ tuổi trung bình của những thí sinh này là 16. Một số lí do được đưa ra, như là do số lượng nữ giới tham gia bộ môn này không nhiều, hoặc do nữ giới thường ngại tiếp xúc với những người cùng giới khác.
Dana Yi, một trong những cô gái chơi Rubik giỏi nhất trên thế giới
WCA cũng mong muốn được cử nhiều đại diện là nữ giới hơn, cho phép họ phê chuẩn các cuộc thi và tạo động lực phấn đấu nhiều hơn cho các bạn nữ trẻ tuổi khác.
Tại ga sân bay San Francisco, trong lúc chờ máy bay đến thành phố Salt Lake, tôi đã được nghe con trai tôi tự mình xin phép. Đó là khi Joe thấy tiếng clack đặc trưng của một người chơi Rubik gần đó, thằng bé đã tiến lại gần và xin được ngồi xuống chơi cùng Sameer Aggarwa – một cậu bé 13 tuổi mảnh dẻ đeo kính cận tới từ Bellevue, Washington. Cậu bé ấy cũng đang trên đường tới giải Nationals đầu tiên của mình.
Cả hai nhanh chóng bắt chuyện với nhau và cùng chia sẻ chiếc cube trong sự ngạc nhiên của những người xung quanh. Nhưng cả phụ huynh cả Sameer và tôi đều chỉ mỉm cười và nhún vai.
Manish và Rakhi Aggarwal sau đó đã kể cho tôi nghe về con trai họ. Cậu bé là một học sinh cấp hai rất ham học, giỏi về toán học, khoa học, tiếng Tây Ban Nha, chơi được đàn violin và bây giờ là cubing. Sameer đã vượt qua vòng sơ loại tới chín nội dung tại giải Nationals, và đã vào tới vòng bán kết ba trong số đó.
“Cảm giác chúng tôi bây giờ như đang trên đỉnh thế giới vậy” - Rakhi chia sẻ vào ngày cuối cùng của giải đấu.
Người lớn thường cảm thấy rất kinh ngạc về speedcubing. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người có những phản ứng hết sức ngạc nhiên khi thấy thấy con trai tôi giải chiếc Rubik ở nơi công cộng. Có lẽ đây là vấn đề thuộc về các thế hệ, khi cách nhìn của họ vẫn đang ở thời kì Rubik cube truyền thống. Việc giải những chiếc Rubik thời kì này gần như là điều không thể.
Bản thân chính tôi cũng chưa bao giờ giải được chiếc Rubik khi còn là một đứa trẻ. Nhưng rồi một buổi tối trong khách sạn, khi đang hào hứng vì cậu con trai đã đi ra ngoài ăn tối với những người bạn mới, tôi đã thử làm theo video hướng dẫn của Yu – CEO của the Cubicle. Chỉ trong một giờ, với rất nhiều lần bật đi bật lại video để xem, cuối cùng tôi cũng đã đưa được chiếc cube của con trai mình về đúng trật tự.
“Điều gì làm nên sự khác biệt giữa tôi và bạn, đó là hàng nghìn và hàng nghìn giờ luyện tập” - Phil Yu
Tuy nhiên từ đó đến nay tôi cũng không có luyện tập lại. Nhưng con trai tôi thì khác, chiếc cube gần như không bao giờ rời khỏi tay nó. Trên chuyến bay về nhà, thằng bé đã thử giải chiếc 3x3 trong khi bịt mắt. Đây là một biến thể có độ khó cực kì cao của speedcubing.
Đầu tiên Joe scramble chiếc cube và nhìn trước để xem vị trí và màu sắc các viên. Sau một vài phút, thằng bé che mắt mình lại với chiếc mũ và lấy một hơi thật sâu.
Tôi chiêm ngưỡng từng ngón tay của con trai tôi xoay vòng tất cả các tầng với một tốc độ đáng kinh ngạc. Cũng có những lúc chúng dừng lại để não bộ của Joe suy nghĩ vị trí của màu sắc, trước khi ra lệnh cho các ngón tay tiếp tục tiến hành. Tôi yên lặng và quay phim với chiếc điện thoại của mình.
Chỉ trong vòng một phút, toàn bộ sáu mặt của chiếc cube đang từ hỗn loạn đã gần trở nên hoàn chỉnh. Joe bỏ bịt mắt ra và nhìn thấy chỉ còn một vài viên chưa đúng vị trí. Tôi an ủi cậu con trai, trong lòng đầy sự kinh ngạc nhưng cũng vô cùng tự hào. Joe cũng cười đáp lại tôi: “Chúng ta sẽ còn tới đây năm sau phải không ba ?"
Nguồn: John Branch by Nytime.
Bình luận (2)
Công Xuân Công
13/12/2021ờ may zing gút chóp em:)))
yo
15/06/2021ờ mây zing gút chóp