-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
12 Thuật ngữ Rubik "chuyên ngành" mà cuber nào cũng nên biết (P2)
03/06/2020 Đăng bởi: Nguyễn Quang AnhNếu bạn đang luyện tập cho mình khả năng giải Rubik nhanh thì đây là một số thuật ngữ "chuyên ngành" mà bạn cần phải làm quen. Thực tế các thuật ngữ Rubik mới liên tục được ra đời và thay thế những khái niệm cũ kỹ hơn hoặc không phù hợp. Do đó, bạn cần phải hiểu chúng để dễ dàng thích nghi với mọi người và trở nên chuyên nghiệp hơn.
Nếu bạn chưa đọc Phần 1, hãy click vào link dưới đây nhé:
>> Tham khảo: 10 thuật ngữ Rubik "chuyên ngành" mà cuber nào cũng nên biết (P1).
1. PR và WB
Đầu tiên chúng ta phải nhắc tới thuật ngữ PB (Personal Best). Đây là cụm từ mà chúng ta đã quen dùng để chỉ thành tích cá nhân tốt nhất khi cubing ở nhà (hoặc trong các dịp khác nói chung).
Điều này dẫn đến việc phải sử dụng thêm một thuật ngữ khác là Offiicial PB, nghĩa là thành tích tốt nhất bạn đạt được khi thi đấu và được công nhận chính thức bởi WCA. Về sau này, người ta đã thay thế Official PB bằng PR (Personal Record). Mình xin tạm dịch cụm từ này theo nghĩa thô là “kỉ lục cá nhân” để tiện cho việc trình bày ở phía dưới.
Như vậy có thể hiểu ngắn gọn là: Nếu như xuất hiện chữ “R” hay “Record”, đồng nghĩa đó là kỉ lục được CÔNG NHẬN CHÍNH THỨC tại các cuộc thi. Trong khi nếu xuất hiện chữ “B” hay “Best”, thì đó là thành tích tốt nhất KHÔNG bắt buộc phải thi đấu để được công nhận.
Tuy nhiên sau đó một thuật ngữ khác đã xuất hiện, đó là UWR – Unofficial World Record, tạm dịch: “kỉ lục thế giới không chính thức” (thật là mệt mà). Đây mới là lúc mọi chuyện trở nên phức tạp. Như mình đã nói ở trên, đã là “Record” thì đó phải kỉ lục được công nhận chính thức tại các cuộc thi.
Điều này làm cho hai từ trong cùng một thuật ngữ trở nên cực kì mâu thuẫn với nhau, vừa “kỉ lục chính thức” nhưng đồng thời lại “không chính thức”. Thế là theo đúng với logic trên, người ta đã thay thế UWR bằng một thuật ngữ khác: WB – World Best (tạm dịch: “thành tích tốt nhất thế giới”, giống với PB – “thành tích tốt nhất của cá nhân).
2. Drew/Lucas Parity
Khi giải những chiếc 4x4 hoặc lớn hơn, bạn sẽ gặp phải trường hợp một cạnh của layer cuối cùng bị ngược chiều.
Lúc này giải pháp sẽ là OLL Parity. Và trong tất cả các OLL Parity, có hai thuật toán nổi tiếng nhất, đó là Drew Parity và Lucas Parity. Khi được hỏi thuật toán nào nhanh hơn, phần lớn mọi người nghiêng về phía Lucas nhiều hơn.
Tuy nhiên mình không chắc chắn thuật toán này có nổi tiếng hơn Drew hay không. Về bản chất, cả hai thuật toán này đều đảo ngược các viên cạnh, đổi chỗ hai viên góc và thay đổi hướng của chúng. Tuy nhiên Lucas lại khác Drew ở một điểm, đó là thuật toán còn đổi chỗ các viên cạnh ở hai mặt bên.
Một nhược điểm của Lucas là nếu như bạn muốn học các trick OLL skip thì bạn cần phải làm thêm một số bước phụ. Điều này mình xin phép phân tích ở những bài viết sau.
3. Mod
Mod là bất kì sự thay đổi nào mà bạn thực hiện trên chiếc Rubik của mình. Đó có thể sự thay đổi trên chính phần cứng cấu tạo của chiếc cube như việc gắn nam châm, Boron Treated,...
Đối với các speedcube thì điều này đã từng vô cùng quan trọng, bởi trước đây, phần cứng cấu tạo nên chúng thường không được tối ưu tốt. Người chơi khi mua những chiếc Rubik này về còn tìm ra nhiều cách khiến chúng còn tốt hơn nữa.
Ví dụ như chiếc Daiyan Zhanchi chẳng hạn. Đây từng là chiếc 3x3 tốt nhất trong một thời gian dài. Nhưng mọi người đã tìm ra rằng mài các bộ phận bên trong đi một chút thậm chí còn khiến hiệu năng chiếc cube tốt hơn nữa.
Ngoài ra những chiếc cube lớn như V-Cube 6 còn có một số bước mod cụ thể để khiến tình trạng lock-up không còn thường xuyên xảy ra. Những chiếc V-Cube 6 nguyên bản ngày nay nếu không được mod thì nó cũng chỉ là một chiếc cube nặng nề, cục mịch, ồn ào và nói chung là như…
4. Counting
Nếu dịch sát nghĩa thì counting chính là đếm, nhưng không phải đếm 1..2..3..5 xem có đánh rơi nhịp nào không. Chúng ta dùng counting trong phạm vi tính kết quả thành tích trung bình (average), với ý nghĩa là “được tính” hay “được xét đến”.
Trong các cuộc thi, thành tích trung bình được tính như sau: Đầu tiên bạn thi đấu năm lần, sau đó loại bỏ đi thành tích tốt nhất (Best) cũng như tệ nhất (Worst) của mình. Người ta sẽ chỉ quan tâm tới ba kết quả còn lại mà thôi. Ba kết quả đó được gọi là “ba lần giải được tính kết quả” – “counting solves”.
5. Trigger
Trigger là một chuỗi có từ ba tới bốn bước được tách nhỏ từ thuật toán ra giúp bạn nhớ chính thuật toán đó nhanh hơn (chứ không phải cái meme trigger intensifies đâu nhé).
Ví dụ trường hợp OLL này, khi bạn đang có một thanh màu vàng hai viên ở mặt bên phải.
Khi bạn giữ cube đúng như này thì sẽ có thể chia thuật toán thành ba trigger vô cùng đơn giản: (R U R’ U), tiếp theo là (R U’ R’ U’) và cuối cùng là sledgehammer (R’ F R F’).
Nếu bạn là người thường xuyên chia các trigger thì sẽ thấy các khuôn mẫu chẳng hạn như: (R U R’) hay (R U’ R’) , (R U2 R’), thậm chí là sledgehammer,… và việc ghi nhớ các thuật toán của bạn sẽ nhanh hơn rất nhiều.
6. Unofficial Events
Unofficial Events là những sự kiện không được tổ chức một cách chính thức ở các cuộc thi. Chính vì vậy, thành tích của những người tham gia cũng chỉ mang tính chất cá nhân mà thôi. Hầu hết mọi người tham dự những sự kiện này là bởi chúng rất thú vị và đem lại niềm vui cho họ.
Red Bull Rubik's Cube World Championship là một trong những Unofficial Events
Nếu như các giải đấu chính thức được tổ chức theo hai format: một là thi đấu giải nhiều loại câu đố từ các loại cube truyền thống, cho tới cả megaminx; hai là giải cube nhưng bị giới hạn về cách thức như hoàn thành 3x3 với một tay hoặc bị bịt mắt, thì các sự kiện không chính thức cũng có thể được chia thành hai nhóm chính.
Đầu tiên là bạn có thể thi đấu với bất kì loại câu đố dạng vặn - xoắn nào mà bạn có thể tìm thấy, bao gồm cả Kilominx, fisher cube, redi cube,... hay thậm chí cả Rubik’s Magic (đây từng được các cuộc thi tổ chức một cách chính thức vì một lí do nào đó).
Tiếp theo là bạn cũng có thể thi đấu theo hình thức thay đổi cách thức giải. Có vô vàn cách thức sáng tạo mà người chơi đã nghĩ ra, nổi tiềng nhất là Team Blinded (giải theo team nhưng người xoay bị bịt mắt, người còn lại sẽ mô tả bằng lời các công việc phải làm), Team Factory (mỗi người trong team sẽ chỉ thực hiện một bước giải sau đó phải chuyển cho người tiếp theo).
Sự kiện Team Blinded
Bạn sẽ không hiếm gặp những sự kiện này ở các cuộc thi trên thế giới đâu. Có rất nhiều sự kiện mà mình sẽ chỉ có thể liệt kê như Mini Guildford, Relays, Two People One Cube, Rob’s Challenge, Sale Challenge. Bạn cũng có thể tự mình đề xuất một sự kiện hay hơn nếu bạn muốn.
7. Full Step
Một lần giải Full Step là một lần giải không bỏ qua bất cứ bước nào (skip OLL, PLL,...). Trước đây mọi người hay dùng cụm từ NL Solve hay Non-lucky Solve, ý chỉ những lần giải không có sự can thiệp của…may mắn. Nhưng trong khi giải bạn không thể tránh được một chút may mắn, miễn sao bạn không bỏ qua các bước là được.
Ví dụ như mỗi cặp F2L chỉ mất ba bước để giải chẳng hạn, đó chẳng phải là may mắn sao? Nhưng bạn vẫn thực hiện đầy đủ các bước. Chính vì thế mọi người đã chuyển qua dùng Full Step nhiều hơn vì nó mô tả chuẩn xác những gì diễn ra trong quá trình giải hơn.
8. Edge Control
Nếu như bạn đã tập F2L nâng cao thì chắc không còn lạ với khái niệm này – kiểm soát cạnh. Về ý tưởng, bạn sẽ tập trung nhiều hơn tới các cạnh có mặt vàng được hướng lên phía trên, bởi khi giải layer cuối cùng, điều bạn mong muốn là được rơi vào những trường hợp dễ dàng.
Ví dụ với trường hợp cặp F2L màu cam-xanh lá như thế này:
Nếu như chỉ đưa các cặp F2L vào vị trí thông qua các bước là <U' L' U L> thì bạn sẽ không có được trường hợp OLL thuận lợi (thuận lợi ở đây nghĩa là càng nhiều viên cạnh có mặt vàng hướng lên trên càng tốt).
Nhưng nếu bạn nhận ra hai cạnh mặt vàng đã được hướng lên trên thành hình chữ L ở bên phải như vậy, bạn hoàn toàn có thể sledgehammer <L F' L' F> - vốn là một thuật toán cực kì quan trọng của Edge Control.
Trong trường hợp này, sử dụng Sledgehammer và bạn sẽ có ngay dấu thập ở tầng trên
Một điều cần phải nhấn mạnh là kiểm soát cạnh không có nghĩa bắt buộc phải tạo được dấu thập vàng ở mặt trên. Bạn sẽ chỉ muốn phòng tránh những trường hợp xấu như Dot Case (dấu chấm) mà thôi.
Như ở trên mình có nói sledgehammer rất quan trọng. Đó là bởi nó hoàn toàn có thể giúp bạn chuyển từ một Dot Case rõ rệt sang một trường hợp thuận lợi hơn, trong khi vẫn đưa được cặp F2L mong muốn vào vị trí.
9. Abbreviation
Nếu dịch sang tiếng Việt thì “abbreviation” hay “acronym” đều có nghĩa là một cụm từ được viết tắt thay thế cho từ gốc. Thế nhưng cách viết tắt ra sao mới quyết định đến sự khác nhau giữa hai từ này.
a) Acronym
“Acronym” đơn giản chỉ là lấy những chữ cái đầu của từng từ và ghép lại, kiểu như CFOP viết tắt của Cross, F2L, OLL và PLL. Trong đó F2L lại là viết tắt của First 2 Layers, OLL là Orientation (of the) Last Layer và PLL là Permutation (of the) Last Layer.
b) Abbreviation
“Abbreviation” lại có chút khác biệt. Nó không ghép các chữ cái đầu mà lấy ra luôn các chữ cái tiêu biểu để đại diện cho từ hoặc cụm từ đó. Ví dụ như BLD viết tắt của Blind (bịt mắt), chứ không phải mang hàm ý bảo bạn phải xoay các bước B L và D (Cũng giống như F2L không bảo bạn phải xoay F2 rồi xoay L).
Hoặc như Memo viết tắt của Memorization, nghĩa là quá trình ghi nhớ để giải bịt mắt; hay Comm viết tắt cho Commutator, nghĩa là kết hợp các chuỗi động tác cùng với đảo ngược của chúng để phục vụ cho giải bịt mắt và FMC.
Ngoài ra chúng ta có cả X-Cross, hay Extra Cross, nghĩa là chúng ta xây dấu thập kèm theo một cặp F2L (chứ không phải xây dấu thập hình chữ X với các viên góc đâu nhé).
Cuối cùng chúng ta có Redux, nghĩa là phương pháp Reduction cho các loại cube cỡ lớn.
10. Corner Cutting
Corner Cutting, hay “khả năng cắt góc” là giới hạn độ lệch giữa các layer mà chiếc Rubik vẫn cho phép bạn xoay được. Có hai loại khả năng cắt góc chính: một là loại cắt góc xuôi, hai là cắt góc ngược.
Đối với cắt góc thông thường, khi quá trình bắt đầu, bạn sẽ thấy một lỗ nhỏ ngay mặt trước của cube.
Còn đối với cắt góc ngược, bạn sẽ chỉ thấy viên bị lệch trượt ra xa khỏi viên trung tâm mà thôi.
Với tiêu chuẩn ngày nay, những chiếc cube vẫn cho phép bạn xoay ngay cả khi độ lệch lên tới 45 độ. Một số dòng cube cao cấp còn cho phép bạn cắt góc xuôi với góc còn lớn hơn thế.
Tuy nhiên nếu góc quá lớn thì quá trình đó lại trở thành cắt góc ngược mất rồi. Chính vì thế nên nếu phần rãnh giữa viên góc và viên cạnh bị lệch không vượt quá 2/3 viên trung tâm, thì đó sẽ được coi là cắt góc ngược.
11. CO/CP/EO/EP
Đầu tiên, “C” viết tắt cho Corner – nghĩa là viên góc, “E” viết tắt cho Edge – nghĩa là viên cạnh. Còn “O” nghĩa là Orientation – định hướng của một viên, và “P” là Permutation – hoán đổi vị trí (hoán vị) của viên đó. Bạn chỉ cần ghép chúng lại để tìm ra nghĩa tương ứng.
Thông thường khi tới tầng cuối cùng bạn sẽ sử dụng kết hợp những bước ở trên. Ví dụ như bạn bắt đầu với EO – định hướng viên cạnh, hay nói cách khác chính là hướng tất cả viên cạnh vàng lên trên để tạo dấu thập.
Sau đó bạn CO – định hướng viên góc để mặt màu vàng các viên này cũng được hướng lên trên.
Và CP – hoán đổi vị trí các viên góc, để đưa chúng về lại vị trí của mình.
Cuối cùng là EP – hoán đổi vị trí viên cạnh, đưa tất cả các viên cạnh về vị trí và hoàn tất phần giải.
Bonus cho bạn thêm tấm ảnh của J-Perm.
12. Flagship
Thuật ngữ này không chỉ áp dụng cho cubing mà còn áp dụng chung cho các hoạt động khác. Đây là từ dùng để chỉ dòng sản phẩm cao cấp, tiêu biểu nhất của một thương hiệu và được chính công ty sản xuất tập trung bán ra thị trường.
Bạn nên thử và cảm nhận xem những gì chiếc flagship của các hãng đem lại có phù hợp với mong muốn của mình hay không, và sản phẩm nào đang là tốt nhất trên thị trường.
Ví dụ đối với 3x3, các công ty sản xuất nổi tiếng nhất hiện nay là QiYi, MoYu, GAN và DaYan. Dòng flagship tương ứng với họ lần lượt là Valk 3 Elite M, MoYu Weilong WR M, GAN 356 XS, và DaYan TengYun v2 M. Về cơ bản chúng là những dòng cube mới nhất và tiên tiến nhất mà hãng đó sản xuất ra.
Nguồn: J-Perm
Bình luận (5)
Trần Huy Nhật
15/08/2021cho hỏi YJ timer có đc dùng thi đấu ko
Khang
21/07/2021Sub có nghĩa là thời gian giải Rubik đó bạn 😁
Speedcuber
02/07/2021@Việt + có nghĩ là thời gian giải cube vd như 5 10 15 giây
Việt +
13/06/2021cho mình hỏi là sub 5-10-15... gì gì đó nghĩa là sao ạ?
Cao Lê Hùng Anh
27/11/2020mong ad làm kĩ về Drew/Lucas Parity và mẹo parity cho 4x4