-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Trải nghiệm và đánh giá dòng GAN “MONSTER GO”
14/09/2020 Đăng bởi: Nguyễn Quang AnhNgày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đánh giá dòng Monster Go (một thương hiệu con của GAN). Đây là một sản phẩm đến từ GAN và nếu như các bạn chưa biết thì GAN sản xuất rất, rất nhiều dòng sản phẩm 3x3 cực kì tuyệt vời. Tuy nhiên mình lại không chắc chắn lắm về dòng cube mà chúng ta cùng nhau trải nghiệm ngày hôm nay.
Có lẽ đây sẽ chỉ là một chiếc cube bình thường và khó có thể đạt tới hàng siêu phẩm giống những chiếc cube khác của GAN. Giống như những chiếc Rubik luyện tập thôi chẳng hạn?
Gan Monster Go Cloud
Chiếc Monster Go mà mình đang cầm trên tay bây giờ có màu hồng ở tất cả các mặt, ngoại trừ duy nhất một mặt có màu trắng. Mình đoán là nếu như có ai nói rằng họ chưa từng giải được Rubik trong suốt cuộc đời, hãy đưa chiếc Monster Go này cho họ ngay và luôn. Đó chính là điểm hay của Cloud - nó cho phép bạn tự tìm hiểu một khối 3x3 ở mức độ cực kỳ đơn giản.
Khi một người mới bắt đầu tập chơi, mình thường hay bảo họ giải trước một mặt. Đơn giản là vì mình muốn họ tìm hiểu cách mà một khối 3x3 hoạt động, từ việc nó xoay ra sao, cách các viên di chuyển như nào, rồi làm cách nào để giấu một viên để khi di chuyển viên khác không làm viên đó mất vị trí.
Mình nghĩ sẽ chẳng có phương pháp speedcubing nào có thể áp dụng ở đây. Bởi thông thường khi bạn giải một mặt bạn cũng phải giải cả tầng tương ứng mặt đó luôn. Nhưng với Cloud thì không. Những điều đơn giản như vậy mình thấy học qua giải một mặt là cách tốt nhất.
Và đương nhiên việc giải được một mặt cũng khiến các bạn cảm thấy vui vẻ, tự tin để tìm tòi tiếp. Mình nói vậy là bởi có rất nhiều bạn mới tiếp xúc lần đầu nghĩ rằng rubik là một thứ gì đó cao siêu mà chỉ có thiên tài mới giải được. Nhưng khi chỉ cần giải được một mặt thôi chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều để bước tiếp.
Ngoài phiên bản màu hồng, Cloud còn có một bản màu xanh dương
Tất nhiên mọi thứ chỉ dừng lại ở mức tự tin thôi, giải được một mặt chưa thể giúp bạn thành cao thủ được. Chính vì thế ta cùng chuyển sang chiếc cube thứ hai.
Gan Monster Go UT
Điều thú vị của chiếc Rubik này là ngoài tầng đầu tiên và viên trung tâm các mặt bên, họ chuyển tất cả các viên còn lại về màu đen và không có lựa chọn khác. Tên gọi của cube này là “Monster Go UT” (bởi phần màu đen tạo ra hình chữ U, còn phần còn lại có màu tạo ra chữ T).
Cảm nhận đầu tiên của mình là cube này khá mỏng manh. Nhưng khi thử cắt góc thì mọi thứ lại khá ổn, như khi vượt quá 45 độ và ngược 25 độ chẳng hạn.
Khác với Cloud, giờ đây bạn phải xây dựng một tầng hoàn chỉnh nên các viên trắng cũng phải được xếp vào đúng vị trí – đây cũng là bước khá quan trọng khi học giải Rubik. Tuy nhiên cá nhân mình thấy việc chỉ giải được một tầng trên chiếc Rubik này là không phù hợp.
Lí do là vì nếu bạn đã giải được một tầng, chắc chắn là bạn đang cố gắng để giải nốt phần còn lại của chiếc Rubik, nhưng phần còn lại của chiếc cube này lại chỉ toàn là màu đen. Khác hoàn toàn với Cloud khi nó giúp những người mới chơi có thể giải được một mặt dễ dàng và cảm thấy tự tin tìm hiểu tiếp.
Gan Monster Go Rainbow
Tiếp đến là chiếc “Monster Go Rainbow”. Mình hiểu ý của GAN khi chiếc cube có ba tầng với ba màu riêng biệt. Nhưng... chắc chắn ba màu không tạo nên cầu vồng.
Khác với hai cube trước, mình sẽ không gọi đây là một chiếc Rubik luyện tập, vì nó chủ yếu đem lại niềm vui khi chơi nhiều hơn. Nó sẽ không dạy cho bạn bất kì kiến thức nào để speedsolve một cách bình thường. Điểm độc nhất của cube này là các viên sẽ chỉ có một màu duy nhất nên dù có xoay như nào đi nữa màu sắc của các viên cũng không bao giờ thay đổi.
Gan Monster Go 3x3 (Thông thường/ Nam châm)
Cả hai chiếc cuối cùng đều là cube 3x3 truyền thống. Một phiên bản là “Monster Go Traditional” không tích hợp nam châm, phiên bản còn lại là “Monster Go Magnet” với nam châm được tích hợp sẵn.
Vì đây là một sản phẩm của GAN nên cả hai sẽ sử dụng hệ thống lò xo numerical có thể điều chỉnh hoàn toàn bằng tay, trong đó phiên bản Magnet là ốc vàng và Traditional là ốc cam (ốc cam nặng hơn). Hai loại ốc này đều mặc định với mức 0.6 và 0.8, con số càng cao thì khoảng cách di chuyển của viên trung tâm tăng lên, đồng nghĩa với việc cube sẽ lỏng hơn một chút.
Đối với phiên bản Magnetic, bạn sẽ được trang bị loại nam châm với lực ở cỡ vừa và tăng cường thêm sự ổn định cho cube.
GAN Monser Go cũng thừa hưởng hai công nghệ nổi bật của GAN là rãnh tổ ong và lõi nhựa, nhưng cấu trúc các mảnh lại có phần đơn giản hơn nhiều, rất giống với chiếc Meilong của MoYu. Mặc dù vậy, cả hai cube vẫn thể hiện khá tốt với tốc độ ở mức vừa phải, trơn mượt và có độ ổn định cao.
Các mảnh được hoàn thiện rất tốt, cực kỳ chắc chắn và hoàn toàn không có phần nhựa thừa
Cảm giác vẫn khá giống với các dòng sản phẩm của GAN, tuy nhiên lại có phần hơi thô, ồn và kém linh hoạt hơn chút.
Monster Go cũng có khả năng cắt góc xuôi tốt, đạt mức tiêu chuẩn 45 độ, trong khi cắt góc ngược chỉ ở mức tạm được. Lí do mình nói cắt góc ngược tạm được là vì không quan trọng bạn đang ở góc nào, độ cản trở của cube cũng gần như bằng nhau.
Chưa kể đến việc chuyển động các viên khi cắt góc cũng khó khăn tạo ra sự va chạm lớn. Nếu như so sánh với GAN XS ta sẽ thấy rõ ràng sự khác biệt. Khi cắt góc, các viên trên XS di chuyển rất dễ dàng, va chạm nhẹ nên tiếng động phát rất nhỏ.
Tóm lại, với mức giá là 140k - 220k (thường và nam châm) thì Gan Monster Go vẫn đáp ứng vừa và đủ nhu cầu của người chơi, nhưng chắc chắn đây không phải là một lựa chọn tối ưu. Bởi ở tầm giá này, chúng ta còn có nhiều lựa chọn khác như: QiYi MS (110k), RS3 M 2020 (110k), Meilong 3 M (85k), QiYi Thunderclap v3 M (150k), WuWei (240k),...