-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cách chơi rubik cơ bản đến nâng cao
16/09/2019 Đăng bởi: Nguyễn Mạnh Hùng
Người phát minh ra Rubik's Cube - Giáo sư Erno Rubik đã mất tận một tháng để học cách chơi rubik hoàn chỉnh 6 mặt. Trong suốt 40 năm vừa qua, rất nhiều người đã nghiên cứu và đưa ra hàng loạt các cách giải rubik vô cùng đơn giản và tối ưu. Nếu bạn muốn tìm hiểu về cách giải rubik, thì đây chính là bài viết mà bạn cần đọc! Tôi sẽ hướng dẫn bạn tìm hiểu về các cách chơi rubik dễ học nhất.
Học cách xoay rubik qua sự hướng dẫn của người khác không phải là ăn gian. Một khối rubik có những 42 TỶ TỶ (đúng rồi đấy, là 42,000,000,000,000,000,000) trạng thái có thể xảy ra. Thế nhưng chỉ có đúng MỘT trạng thái được gọi là hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu không có sự hiểu biết và hướng dẫn nhất định về cách xoay rubik, bạn gần như không bao giờ có thể giải được nó.
Nội dung chính bài viết
Có bao nhiêu cách chơi rubik?
Hiện nay, trên thế giới có hàng chục cách giải rubik khác nhau. Chung quy lại, chúng đều sử dụng một loạt các BƯỚC GIẢI, trong mỗi bước giải lại có hàng loạt THUẬT TOÁN (hay quen miệng còn gọi là CÔNG THỨC GIẢI RUBIK) để hoàn thành các bước đó. Nổi tiếng nhất trong số đó là CFOP, Roux.
Cách chơi Rubik theo kiểu cơ bản
Để chơi Rubik theo kiểu cơ bản, trước tiên bạn phải tìm hiểu rõ ràng về một số thứ như sau:
1. Tìm hiểu rõ về các kí hiệu về bước xoay rubik
Tại sao điều này lại quan trọng và là điều đầu tiên bạn nên tìm hiểu? Rõ ràng bởi vì đây là cách để chúng ta mô tả về các bước xoay trên cục rubik. Tôi không thể mô tả cho bạn các bước xoay theo kiểu mặt này lên trên. mặt này sang trái sang phải,...Hoặc tôi cũng không thể mô tả bằng hình vẽ các bước xoay được. Có đến hàng chục công thức khác nhau chỉ cho một trường hợp duy nhất, và tổng kết lại thì số công thức ấy chắc phải lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn công thức. Đấy chỉ là rubik 3x3 thôi nhé, còn rubik 4x4, 5x5 hay 17x17 nữa các bạn ạ. Do đó, chúng ta phải chuẩn hóa cách mô tả các bước xoay bằng các kí hiệu rubik cơ bản đến kí hiệu rubik nâng cao.
Như vậy, nếu bạn tìm hiểu và thành thục các loại kí hiệu rubik, thời gian bạn học giải một cục rubik sẽ rút ngắn đi rất nhiều. Học xong các loại kí hiệu bạn sẽ không cần hỏi người khác hay xem clip mô tả nữa mà chỉ cần đưa ra dòng công thức là có thể làm được. Chưa kể đến việc học kí hiệu và thuần thục các loại kí hiệu đó cũng làm bộ não bạn hoạt động tương đối về hình học không gian. Điều đó rất tốt cho tư duy của bạn, đặc biệt là với người Việt Nam vốn rất giỏi về số nhưng còn chút hạn chế về hình, đặc biệt là hình không gian.
Để thuần thục các loại kí hiệu rubik, tôi khuyên bạn nên học theo trình tự sau:
Bước 1: Học các kí hiệu cơ bản của rubik 3x3
Bạn có thể học qua bài viết sau: Quy ước kí hiệu rubik 3x3 cơ bản
Bước 2: Tập cho thuần thục nhuần nhuyễn các công thức cơ bản đó
Rất nhiều bạn có nhắn cho mình hỏi :"Anh ơi vì sao em làm giống công thức như thế này mà không ra là sao?". Nói thật lòng việc này ngay cả bản thân mình lúc mới học rubik cũng rất hay mắc phải. Các bạn học các kí hiệu này học thì khá là dễ hiểu nhưng đến lúc thực hành thì lại là một vấn đề khác. Nhiều khi công thức nó dài quá bạn cũng sẽ làm nhầm, hoặc nhớ nhầm,...Cho nên việc luyện tập cũng đóng vai trò rất quan trọng nữa. Nếu bạn chỉ học để giải rubik 3x3 thì đến bước 2 này đã đủ. Nếu bạn muốn mày mò thêm các loại rubik nâng cao như 4x4, 5x5 thì hãy sang bước 3.
Bước 3: Học các kí hiệu rubik nâng cao
Các kí hiệu nâng cao thường gặp trong các loại rubik lớn như 4x4, 5x5,...Lúc này vì rubik đã có nhiều tầng hơn nên bạn sẽ phải có thêm các kí hiệu cho các tầng đó. Tôi khuyên bạn nên học các công thức này sau khi thuần thục các kí hiệu cơ bản và đã học xong . Để học các bạn tham khảo bài viết Kí hiệu rubik nâng cao.
Đó là ba bước trong việc học các kí hiệu rubik mà mình đúc kết được. Dù học kiểu giải cơ bản hay nâng cao, học các kí hiệu vẫn là điều vô cùng cần thiết.
2. Học các cách giải rubik cơ bản
Cách giải rubik cơ bản bao gồm các bước như sau:
- Giải một mặt, nhưng lộn xộn (các màu bên chưa đúng)
- Giải một mặt, hoàn thành luôn tầng 1 (đúng nguyên một tầng)
- Giải tầng 2
- Đưa tầng 3 về một màu, nhưng các cạnh bên chưa đúng
- Giải hoàn chỉnh tầng 3, xong cục rubik.
Mình sẽ không đi vào chi tiết hướng dẫn cách giải này trong bài. Bạn có thể tìm thấy bài hướng dẫn rất chi tiết mình đã đăng trước đó trong mục Hướng dẫn chơi nhé.
Cách chơi rubik nâng cao
Trong mục này, mình sẽ giời thiệu qua cho các bạn tìm hiểu về các cách giải rubik nâng cao mà mình cho là tối ưu nhất, nhiều người sử dụng nhất. Các phương pháp mình đề cập trong bài đó là CFOP và Roux.
1. CFOP (hay còn gọi là Fridrich)
CFOP là cách chơi rubik nổi tiếng được công bố bởi Jessica Fridrich vào năm 1995. Đây là một phương pháp chơi làm mưa làm gió trong những năm 2000. Hàng loạt các kỉ lục thế giới Guinness đã bị phá bởi cách làm này. Ban đầu CFOP được gọi là phương pháp Fridrich nhưng bản thân công trình này là của nhiều người, chứ không phải chỉ riêng cô ấy. Sau này với yêu cầu của của đội nghiên cứu, phương pháp này chính thức được đổi tên thành CFOP.
CFOP là viết tắt của bốn bước giải rubik:
- Cross: Làm dấu cộng ở một mặt.
- F2L - First 2 Layers: Hoàn thành hai tầng đầu tiên.
- OLL - Orientation of the Last Layer: Đưa tầng cuối cùng về đúng màu của nó.
- PLL - Permutation of the Last Layer: Hoán vị các cạnh và góc ở tầng cuối về đúng vị trí. Hoàn thành cục rubik.
Ưu điểm CFOP
- Dễ học, rất trực quan dễ hiểu.
- Không cần hiểu lắm về cách hoạt động của rubik.
- Phổ biến nhất, ai cũng biết.
- Hiện tại nó là phương pháp giải nhanh nhất thế giới.
Nhược điểm CFOP
- Nhiều công thức.
- Tốn nhiều moves, nghĩa là bạn phải xoay nhiều hơn.
- Nếu sử dụng cho big cube (4x4, 5x5 trở lên) sẽ tốn nhiều thời gian vì phải làm lại một lần nữa cube 3x3 qua CFOP. Tuy nhiên CFOP vẫn là phương pháp được dùng nhiều nhất.
- Khó làm Cross.
Các bạn có thể tìm hiểu CFOP qua các bài viết sau:
2. Roux
Roux là cách chơi rubik được nghiên cứu và phát triển bởi Gilles Roux. Không giống như các phương pháp khác, chính bản thân người sáng lập đã dùng phương pháp Roux này đạt đến thành tích Sub-15. Đây là một phương pháp được dùng rất nhiều bởi các cuber thi đấu bộ môn OH (One-handed: Giải một tay). Phương pháp này gồm các bước như sau:
- Giải một khối 1x2x3 bất kì chỗ nào trên cục rubik.
- Dựng thêm một khối 1x2x3 nữa ở mặt đối diện mà không phá khối 1x2x3 đầu tiên. Sau bước này, chúng ta đã có một khối 1x2x3 ở mặt bên trái phía dưới, và một khối ở mặt bên phải phía dưới. Các layer (lớp - tầng) M và U có thể xoay thoải mái mà không chạm gì đến hai khối kia.
- Di chuyển giải nốt 4 góc còn lại bằng các công thức CMLL, COLL hoặc các công thức OLL PLL trong CFOP.
- Lật 6 cạnh còn lại về đúng màu của mặt Up và Down (giống như làm OLL bên CFOP) chỉ dùng các bước xoay M và U. Lúc này các cạnh UF, UB, UL, UR, DF, DB sẽ được lật lên hết màu Up hoặc Down.
- Giải hoàn thành hai cạnh UL (trên-trái) và UR (trên-phải). Lúc này ta có layer R (phải) và L (trái) được giải hoàn toàn.
- Cuối cùng giải nốt 4 cạnh còn lại ở tầng giữa. Rubik đã được giải hoàn toàn.
Ưu điểm của Roux
- Sử dụng ít moves hơn CFOP.
- Sử dụng ít công thức hơn CFOP.
- Các công thức đều ngắn và cực dễ thành thạo.
Nhược điểm của Roux
- Việc làm khối 1x2x3 ban đầu có thể khá khó với người mới chơi.
- Sử dụng các moves M và M' khá nhiều. Điều này sẽ gây khó với cuber chưa thạo finger trick hoặc sẽ bị +2 do M2 bị miss
- Khó sử dụng cho bộ môn OH (giải một tay) để giải toàn bộ, nhưng lại được sử dụng rất nhiều cho các bước sau khi giải một tay.
Kết luận về cách chơi rubik
Trên đây tôi đã giới thiệu các cách chơi rubik từ cơ bản đến nâng cao. Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu thêm một chút về thế giới Rubik. Nếu còn thắc mắc điều gì hãy thoải mái để lại bình luận hoặc nhắn tin đến fanpage của H2 Rubik Shop để được tư vấn nhé.